Làm nhà có nên nhất nhất nghe theo "thầy" phong thủy?

08:13
Trước khi xây nhà, không ít gia chủ nhờ thầy phong thủy xem và hướng dẫn thực hành phong thủy với bản chú thích gồm la bàn hướng nhà, vị trí đặt bếp, các kích thước tốt cho cửa, nội thất, ngày giờ tốt khởi công động thổ...

Tuy nhiên, thường khi bản chỉ định này đến tay kiến trúc sư thì bản vẽ họ thực hiện đang làm dang dở hoặc đã xong. Nếu muốn làm theo ý của thầy phong thủy, chắc chắn sẽ có nhiều chỗ phải xáo trộn. Vậy phải giải quyết vấn đề này như thế nào để vừa đảm bảo khoa học vừa đạt hiệu quả tối đa?

Thực tế, không ít gia đình vừa thuê kiến trúc sư, vừa tham khảo ý kiến "thầy phong thủy". Vấn đề nằm ở chỗ, gia chủ khéo léo đến đâu trong việc xử lý quan hệ với các bên. Thường chỉ khi nhà đang làm gia chủ lại “đi xem thầy” thì mới bị xáo trộn nhiều, còn nếu ngay từ đầu chủ nhà đã có sẵn các thông số phong thủy (dù nguồn gốc từ đâu chăng nữa) nằm trong nhiệm vụ thiết kế thì các kiến trúc sư vẫn xử trí được mà không phải thay đổi thiết kế.

Ở đây cần làm rõ 2 vấn đề chính: thứ nhất, để có một ngôi nhà thiết kế hợp phong thủy thì phải trải qua nhiều bước, từ khảo sát - phân tích - định vị đầy đủ chi tiết đến các chỉ định phong thủy đúng và đủ, chứ không đơn giản là mấy gạch đầu dòng.

Nếu chủ nhà muốn theo "thầy" phong thủy thì các chỉ định phải rõràng và làm cơ sở cho thiết kế. Ảnh: Minh họa

Có thể thấy, nếu chủ nhà xin thông tin của các thầy địa lý "chỉ dẫn từ xa" hoặc trên mạng thì không thể chi tiết, cụ thể bằng việc kết hợp với nhà chuyên môn cùng khảo sát và quyết định. Trong đó, bước khảo sát hình thế có thể phải tiến hành nhiều lần. Bởi có rất nhiều yếu tố cảnh quan sẽ thay đổi theo từng thời điểm, điều kiện thời tiết và hoàn cảnh xã hội. Chủ nhà nên cung cấp đầy đủ thông tin mình biết cho nhà chuyên môn để họ có cơ sở đánh giá chính xác hơn. Đơn cử, với nhà nằm gần đường lớn cần tính đến giải pháp khắc phục các tiếng ồn và ô nhiễm. Hay trước nhà có trụ điện, miệng cống thì phải đưa ra giải pháp như hạn chế mở cửa về các vị trí bất lợi đó...

Chủ nhà cần biết đâu là vật phẩm mang ý nghĩa tín ngưỡng, tâm linh còn đâu là giải pháp phong thủy mang tính khoa học. Ảnh minh họa

Thứ hai, phải đối chiếu với hoàn cảnh cụ thể của gia chủ để cân nhắc phương án bố trí phù hợp. Theo kinh nghiệm phong thủy dân gian, thì "Nhất Mệnh - Nhì Vận - Tam Trạch - Tứ Đức", trong đó vị trí quan trọng thứ ba là Trạch (tức chọn lựa nhà đất, thời điểm xây dựng). Các yếu tố còn lại như Mệnh và Vận có liên quan trực tiếp đến gia chủ (sức khỏe, tài chính, gia cảnh) lâu dài. Do đó, khi làm nhà, gia chủ cần tự lượng sức mình, lựa chọn quy mô xây dựng phù hợp với nhân khẩu, không nên vay mượn quá nhiều sẽ tốn kém, sinh nợ... Rất may là với những chuyện này, nhà chuyên môn sẽ tư vấn cụ thể để chủ nhà điều chỉnh thiết kế phù hợp ngay từ đầu.

Nhìn chung, chủ nhà cần hiểu rằng những chỉ định mà "thầy" phong thủy hướng dẫn, chẳng hạn vị trí, hướng bếp, bàn thờ, kích thước cửa… chỉ là xử lý về mặt chi tiết kỹ thuật. Còn thực chất cốt lõi của bố trí hài hòa phong thủy chính là ở phạm vi thiết kế chi tiết, từ kiến trúc bên ngoài đến nội thất bên trong mà trung tâm là gia đình chủ nhà. Trên thực tế, không có nhà nào giống hệt nhau, nên theo phong thủy đến đâu cũng phải căn cứ từng tình huống cụ thể để có thiết kế phù hợp, hài hòa nhất trong điều kiện cho phép.

Cần đánh giá toàn diện yếu tố con người rồi mới đi vào các chi tiết nhỏ như đặt bếp, kích thước Lỗ Ban... Theo đó, phải xác định xem bản thân gia chủ và các thành viên sẽ cư ngụ trong ngôi nhà ấy ra sao, nhiệm vụ của nhà chuyên môn là phải tạo ra thiết kế bao gồm các giải pháp bố trí thích hợp. Trong khi đó, thường các "lá sớ phong thủy" chỉ cung cấp được thông tin rất đại khái, kiểu như chủ nhà tuổi này thì nên đặt bếp hướng này, mà bỏ qua những điều cốt lõi như gia đình sẽ sinh hoạt, ăn ở ra sao với cái bếp bị "áp đặt" đó.


KTS Hoài An
(Theo Thanh Niên)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN