Bí ẩn đường hầm lớn dài hàng chục km dãy núi An Phụ, bí hiểm nhất tỉnh Hải Dương

09:10
Dãy núi An Phụ dài gần 20km thuộc huyện Kinh Môn được coi là nơi huyền bí bậc nhất tỉnh Hải Dương với đường hầm lớn, dài hàng chục km.

Trong đường hầm huyền bí này còn có rất nhiều cổ vật quý chôn trong những ngôi mộ ngàn năm tuổi.

Khi tìm hiểu thông tin về đường hầm dưới dãy núi An Phụ, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi một số người dân địa phương cho biết, đường hầm có thể không chỉ giới hạn ở con số 17km theo đồn thổi mà có thể dài hơn nữa, thậm chí thông đến huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

Khu vực Chùa Cao được xem là có nhiều cửa hầm nhất trên dãy núi An Phụ.

Địa đạo "Củ Chi" của Hải Dương

Dãy núi An Phụ nằm cạnh sông Kinh Thầy, cách TP Hải Dương khoảng 30km theo hướng Đông Bắc, chạy qua 10 xã của huyện Kinh Môn và được người dân chia thành 2 khu là Bắc An Phụ và Nam An Phụ. Trên đỉnh cao nhất của dãy núi này có một ngôi chùa nổi tiếng tên là Chùa Cao thờ An Sinh Vương Trần Liễu (mẹ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn).

Nhiều người dân địa phương cho biết, bên dưới ngôi chùa này là cả một hệ thống địa đạo vô cùng đồ sộ, đan xen chằng chịt với nhau, tạo nên một ma trận bất khả xâm phạm, tuy nhiên, hệ thống đường hầm này lại không phải do người dân hay nhà chùa xây dựng mà chính là người Trung Quốc đào năm 1963 - 1968.

Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Hường, trước đây sống cạnh Chùa Cao. Khi được hỏi về những đường hầm mà dân gian mấy chục năm không ngớt lời đồn thổi, bà Hường không ngần ngại bảo ngay rằng: "Đường hầm ở đây nhiều lắm! Chỉ tính riêng trên đỉnh núi An Phụ cũng phải có đến 3 - 4 cửa hầm, nhưng có lẽ đó chỉ là những đường hầm thông gió nên diện tích hẹp, hầm chỉ cao trên 2m, rộng 2m, hình vòng cung, xung quanh được đổ bê tông rất vững chắc. Trước đây tôi đã nhiều lần vào hầm chơi, nhưng không dám tiến xa vì sợ lạc, những hầm thông gió này rất bé nếu so với đường hầm chính nằm sâu dưới lòng đất".

Cận cảnh một đường hầm thông gió gần Chùa Cao.

Bà Hường còn cho rằng, có lẽ bên đưới lòng đất thuộc dãy núi An Phụ nơi nào cũng có đường hầm, không biết những hầm này dùng để làm gì, nhưng từ mấy chục năm nay, từ khi hầm bỏ hoang cho đến khi bị đóng cửa chưa có ai đủ can đảm thám hiểm hết mọi ngóc ngách trong đó. Những người cả gan nhất thì cũng mới chỉ vào đó vài tiếng rồi chui ra, vì đây là địa đạo mà chỉ có chủ nhân của nó mới biết được điểm bắt đầu và nơi kết thúc.

Để minh chứng cho những lời nói của mình là thật, bà Hường dẫn chúng tôi băng qua khu rừng rậm rạp nằm cạnh Chùa Cao đến một mô đất nhỏ rồi dùng chiếc gậy tre vạch đống cỏ dại làm lộ ra bức tường bằng bê tông cao gần 2m, dưới bức tường có một hòn đá to chắn ngay cửa vào. Bà Hường tiết lộ: "Đây chính là hòn đá mà cách đây mấy chục năm không biết người nào đã rỗi hơi lăn vào để bịt đường hầm, đồng thời cửa hầm còn bị đổ đất lên trên nhằm xóa dấu vết. Nhưng đây là mảnh đất trước đây thuộc khu vườn của gia đình bà nên bà biết rất rõ.

Theo một số người cao tuổi sống quanh núi An Phụ thì địa đạo dưới dãy núi này có thể thông sang cả huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, bởi một số người đã từng chứng kiến quân Trung Quốc đào cả những địa đạo sâu hun hút trên các mỏm núi thuộc địa bàn huyện Đông Triều. Vì khoảng cách giữa các dãy núi tiếp giáp hai tỉnh là gần nhau nên việc họ đào hầm thông từ bên này sang bên kia là chuyện bình thường, tuy nhiên đây mới chỉ là giả thiết, còn việc khẳng định hầm có thông sang huyện Đông Triều hay không thì chỉ khi có được bản vẽ thiết kế, hoặc thám hiểm hết mọi nơi trong hầm thì mới có thể khẳng định được.

Một cửa hầm được bịt kín cách đây hơn chục năm.

Lâu đài trong lòng đất

Hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ khi xuất hiện địa đạo chạy dọc núi An Phụ, đã có rất nhiều người dân từ già đến trẻ chui vào hầm với nhiều mục đích khác nhau, người thì vào một lần cho biết, người thì vào hầm những mong gặp ngọc ngà châu báu... nhưng tất thảy họ đều không đi hết được đường hầm và cũng không thu lượm được thứ gì ngoài những lời trầm trồ ca ngợi thiên đường trong lòng đất, có chỗ to như ngôi nhà, mát rười rượi như tòa lâu đài nào đó trong huyền thoại.

Ông Nguyễn Kim Thán, một người dân xã An Sinh tiết lộ: "Cách đây mấy chục năm, đường hầm bị bỏ hoang, ai thích ra vào gì thì mặc kệ, hồi đó, tôi cũng tò mò vào hầm xem trong đó ra sao, tôi chui vào một cửa hầm thuộc địa phận Cầu Ba, cách thị trấn Kinh Môn chừng 4km, đường hầm chính được làm rất rộng, có thể cho xe ô tô đi vào được ngon lành, càng vào trong càng thấy sâu hun hút, cùng với đó là rất nhiều ngóc ngách đâm ngang bổ dọc lên đỉnh núi như ma trận, tôi chui được một quãng thì phải dừng lại vì sợ lạc. Trong hầm, cứ mỗi đoạn chừng 200m lại có một điểm hầm rất rộng, to như cái nhà, tại đây có những chiếc giường đúc bằng bê tông dài hơn 2m, rộng 1,8m, bếp nấu cơm, giếng nước...".

Cũng theo ông Thán thì trên đỉnh cao nhất của dãy núi An Phụ, gần Chùa Cao có nhiều ngách hầm thông gió, cũng được đổ bê tông phẳng lì, có lẽ vì đây là hầm thông gió nên diện tích nhỏ hẹp hơn đường hầm chính, nhưng cấu trúc thì vẫn giống với đường hầm lớn. Tại cuối mỗi ngách thông gió này có bậc thang ăn sâu xuống dưới lòng đất, nối với đường hầm chính. Ông Thán cho rằng, năm 1968 nếu đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc với cường độ mạnh thì đường hầm dưới dãy núi An Phụ sẽ là nơi trú ẩn của hàng ngàn người dân địa phương và binh lính...

"Trước đây, chúng tôi đã từng thành lập đoàn kiểm tra khảo sát ở dãy núi An Phụ, trong đó có những đường hầm bí ẩn nằm sâu dưới lòng đất, tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa thể thống kê hết được có bao nhiêu cửa hầm ở dãy núi này. Trong khi đó, bên phía Đông Triều, Quảng Ninh cũng có những cửa hầm tương tự, có người cho rằng đường hầm bí ẩn này chạy từ Hải Dương đến Quảng Ninh, nhưng tôi cho rằng đồn đoán này là không có cơ sở bởi giữa hai huyện Kinh Môn và Đông Triều được ngăn cách bởi con sông Kinh Thầy"- Ông Nguyễn Tất Khoái (nguyên Trưởng phòng Văn hóa huyện Kinh Môn) cho biết.

Theo KienThuc

BÀI VIẾT LIÊN QUAN